Monday, December 30, 2013

Bài diễn văn đầy cảm xúc của ca sĩ Huỳnh Phi Tiễn

Bài diễn văn đầy cảm xúc của ca sĩ Huỳnh Phi Tiễn vừa đọc tại đêm tưởng niệm cố Nhạc sĩ Việt Dzũng @ SBTN Cali: 


" Kính thưa anh Việt Dzũng.

 Hôm nay em đến đây, ...em không mang theo những giọt nước mắt mà trong bao ngày qua em đã dành cho anh. Mà em đã ráng mang theo nụ cười mà anh đã dạy cho em. Em thiết nghĩ, những giọt nước mắt đó quá ích kỉ cũng chỉ vì em thương xót anh bỏ em và mọi người đi quá vội, hay em còn quá nhiều điều chưa học kịp nơi anh, hay vì lần này anh đã lỗi hẹn không có đi ăn với em và hàn huyên như những lần rồi em qua Cali.

 Đối với em tình nghĩa của em và anh em không cần nhắc tới, vì riêng chỉ có những người anh em ruột thịt thì mới thấu hiểu mà thôi. Nhưng đây cũng là một sự suy nghĩ ích kỷ của em, vì em biết, trên đời này anh đi đến đâu và gặp những ai, tình thương của anh cũng công bằng như nhau chứ không phải chỉ riêng cho em. Có lẽ thiên đàng đang có việc quan trọng nên anh phải sớm vội ra đi.


Kính thưa quý vị, đối với PT anh Việt Dzũng là một người anh thật đẹp trai và là nhân tài của thế kỷ và là một người có một tầm nhìn thật sâu rộng cho người Việt về một ngày hoà bình thật gần cho dân tộc. Đối với người chưa quen biết anh, thì anh là một người tàn tật. So với đôi chân ốm yếu của anh với đôi chân của một thanh niên đã trưởng thành thì anh có một đôi chân quá yếu đuối đi không vững. Nhưng đối với kẻ địch, đối với người thân, đối với từng người Việt lưu vong khỏi đất mẹ, anh là một người có một đôi chân rắn chắc hơn sắt thép và đầy nhiệt huyết.

Tôi tự nhủ một bước đi của anh, một thanh niên tráng kiện cũng chưa chắc đi nổi. Tôi quen anh hai năm và có được phước tâm sự cùng anh nhưng chưa hề nghe anh oán trách thượng đế hay chê bai số phận của mình. Không những vậy anh đã chia sẻ bớt đi những nỗi đau của những mảnh đời bạt bẽo và luôn khuyên họ cố vươn lên. Cánh cửa anh đi qua là những cánh cửa anh tự mở. Đối với tôi, đôi chân kia thật mãnh liệt, và anh đã để lại một đoạn đường thật dài và nếu ai đó vô tình tìm theo dấu chân anh sẽ đi tới nơi mà không bao giờ bị lạc lối.


Anh Việt Dzũng kính thương, hôm nay em cùng gia đình, bạn bè, và tất cả mọi người Việt trên toàn thế giới, chúc mừng anh về tới một nơi thật đẹp, thật thái hoà và nơi đó anh lại là một người thật đẹp trai và hoàn hảo. Và nơi đó, lại một lần nữa em và mọi người lại phải học hỏi ở nơi anh!


Trong mọi người chúng tôi cuộc sống sẽ mất mát đi thật nhiều nhưng chúng tôi, sẽ tìm một nơi thật đẹp để luôn giành riêng cho anh. Chỉ vì những dấu chân của anh đã để lại trong em, trong trái tim của em và mọi người anh đã và sẽ gặp, những dấu chân của anh đã in sâu và thật rõ rệt trong trái tim của em và mọi người và chúng sẽ không bao giờ phai nhạt với thời gian của thế gian.

 Em cảm ơn anh đã cho em có diễm phúc được gọi anh là bạn.

Mong anh luôn vui khỏe và ra đi an lành, em sẽ luôn cầu nguyện cho anh và gia đình, mình gặp lại nhau sau.

Mong anh vui vẻ ra đi !

Huỳnh Phi Tiễn

 Viết trên quan tài cho Việt Dzũng


Cái chết của Việt Dzũng



Tạp ghi Huy Phương

“Chết không nghĩa là đã tắt hơi thở

Sống đôi khi cũng có nghĩa chết mòn.”

(Chúc Thư - Huy Phương)

RIP
 
Việt Dzũng đã thực sự bỏ chúng ta ra đi vào ngày Thứ Sáu, 20 Tháng Mười Hai, tại bệnh viện Fountain Valley, Nam California, ở tuổi 55. Chúng ta nghĩ rằng cái chết của Việt Dzũng là quá sớm nhưng cũng không là đột ngột, vì bệnh tim của anh đã cho anh biết trước là có thể chết bất cứ lúc nào. Một người chết ở tuổi 55, vẫn thường được người đời cho là chết trẻ, nhưng thực sự sống thế nào cho có ý nghĩa, còn chiều dài của đời sống đôi khi chẳng nói lên được điều gì.
alt
Bàn thờ tại lễ Tưởng Niệm và Vinh Danh cố ca nhạc sĩ Việt Dzũng tại đài truyền hình SBTN, Garden Grove, tối Thứ Sáu, 27 Tháng Mười Hai 2013.

Với 38 năm, có thể nói từ tuổi trưởng thành, bắt đầu hiểu biết và từ lúc phải bỏ quê hương ra đi, cuộc đời của Việt Dzũng đã dài hơn nhiều cuộc sống khác, dù sống thọ đến tám chín mươi, nhưng “đa thọ” đôi khi cũng “đa nhục”. Với đôi chân bẩm sinh tật nguyền, không lành lặn, mạnh mẽ như đôi chân của chúng ta, chống đỡ nhờ đôi nạng, nhưng gần 40 năm qua, anh đã đi những đoạn đường dài nhiều lần gấp bội chúng ta, mà đã đến những nơi chúng ta chưa bao giờ đến được, hay nếu có, cũng chỉ là trong nỗi mơ ước. Phải gần Việt Dzũng để thấy những khó khăn những lúc anh ra sân khấu, hay phải bước lên bục cao, di chuyển bằng máy bay, cả lúc lên xuống xe, trong khi di chuyển hàng ngày trong những công việc và nơi chốn khác nhau, mới thấy sự nỗ lực không ngừng, mà không ai cũng có thể có được. Hơn nữa, anh chỉ có một nụ cười mà không có những nét cau có, giận dữ hay nặng lòng vì những điều bất như ý.

Nước Mỹ đã có thể cho anh những phương tiện ưu đãi dành cho người khuyết tật, nhưng anh đã không thể nào sống trong sự an bài của số phận, và đã quyết chọn cho mình một cuộc sống khác hơn, vững vàng, trong sáng, có lý tưởng và mạnh mẽ hơn tất cả những người mạnh mẽ.

Nói đến tên Việt Dzũng, có lẽ chúng ta không cần phải ghép thêm một danh xưng đằng trước. Nhạc sĩ, ca sĩ, MC, xướng ngôn viên, ký giả, soạn giả, chủ bút một tòa soạn báo chí hay điều hợp một chương trình phát thanh, làm “host” cho một buổi hội luận trên đài truyền hình, kể cả tài đánh máy rất nhanh, ở địa hạt nào anh cũng tỏ ra một người xuất sắc, toàn mỹ.

Việt Dzũng ra đi, như vậy, đã để lại rất nhiều thương tiếc cho tất cả mọi người Việt Nam trên thế giới, bất kỳ đó là Mỹ, Canada, Pháp, Việt Nam và cả bên trời Ðông Âu, ở cả những nước vừa ra khỏi chế độ Cộng Sản. Ðó là tất cả những người Việt có tình yêu với đất nước, quê hương trên khắp vùng đất thế giới. Phải nhìn những cụ già ngồi xe lăn, những gia đình dẫn cả con cháu đến dự đêm tưởng niệm Việt Dzũng, một đêm cuối năm giá lạnh, trước đài truyền hình SBTN, thuộc thành phố Garden Grove; phải nghe những nhân vật chính quyền, tôn giáo, thành viên các đoàn thể trong cộng đồng cả Việt lẫn Mỹ, già hay trẻ, bày tỏ nỗi thương tiếc của họ đối với Việt Dzũng trên sân khấu Asia, mới thấy sự ra đi của anh là sự mất mát to lớn dường nào đối với tất cả mọi người.

Phải mục kích đoàn người đông đúc viếng anh tại nhà quàn, thánh lễ di quan nơi nhà thờ, tại buổi tiễn đưa lần cuối anh về với cát bụi, mới thấy Việt Dzũng thân thuộc, gần gũi chừng nào trong lòng tất cả mọi người, không biết họ là ai, tôn giáo nào, ở mọi lứa tuổi, ở bất cứ nơi nào đến đây. Nhưng, hơn hết, họ đều là những người yêu nước và đang nghĩ về quê hương, đất nước bên kia, cách chúng ta, những người đang sống lưu vong, nửa vòng trái đất.

Chúng ta không ngạc nhiên khi thấy gia đình, bạn bè và những người gần gũi, cộng sự của anh như Trúc Hồ, Minh Phượng, Nguyệt Ánh, những người đã cùng đứng với anh trên sân khấu như Ngọc Ðan Thanh, Diệu Quyên, Thùy Dương, Nguyên Khang... không ngăn được dòng nước mắt khi nói về anh, nhưng vì sao cả những người ở xa, từ San Jose xuống, từ Riverside về, từ Los Angeles, San Diego đến, không hề quen biết, gần gũi anh, chỉ thấy nghe anh qua băng nhạc, làn sóng phát thanh hay băng tần truyền hình, vì ngưỡng mộ, thương tiếc anh, cũng sụt sùi nhỏ lệ.

Chúng ta có thể nói đây là cái chết gây xúc động nhất trong cộng đồng hải ngoại từ gần 40 năm nay, và Việt Dzũng quả là một tên tuổi quá lớn. Cái tên Việt Dzũng và những việc làm của anh đã làm cho trong nước kiêng dè và sợ hãi, khi họ không dám loan tin sự ra đi của anh. Nguyên tắc của truyền thông là phải loan tin sự thật, báo tin về một cái chết, dù là bạn hay thù, vì sao phải im lặng? Việt Dzũng, người mà chính quyền trong nước đã đặt tên là “Tên Gangster Trên Sân Khấu Hải Ngoại” ra đi, hẳn là một niềm vui mừng lớn cho họ!

Ðây là một sự thật chúng ta không cần mở mắt lớn, cũng thấy rõ. Cộng Sản sợ hãi trước đám đông quần chúng thầm lặng đã đồng ý và thương yêu một người suốt bao nhiêu năm tranh đấu cho những người thấp cổ bé miệng ở quê hương, và sợ những tiếng nói, hình ảnh này đưa về tận nơi quê nhà.

Gia đình Việt Dzũng đã từ chối vinh dự phủ cờ cho anh và chúng ta tôn trọng quyết định này. Nhưng giả thử dù có được phủ lá quốc kỳ trên quan tài anh ngày ra đi, thì Việt Dzũng, một người chưa hề có một ngày lính, cũng xứng đáng hơn biết bao nhiêu quân nhân đã bỏ anh em, bỏ bạn bè, được sống trên mảnh đất tự do này, đã trở về Việt Nam nhiều lần, chết già trên giường bệnh cũng được hưởng nghi thức ấy.

Ngạn ngữ Pháp có câu: “Khi mới sinh ra đời, bạn khóc và mọi người xung quanh bạn đều mỉm cười. Hãy sống sao để khi nhắm mắt, bạn mỉm cười trong lúc mọi người quanh bạn khóc.” Việt Dzũng đã sống được một đời sống như vậy!

Ðây cũng là một cái tang chung và một tổn thất lớn của Asia và SBTN. Trong những năm gần đây Trúc Hồ đã mất Trầm Tử Thiêng, Nhật Ngân và bây giờ là Việt Dzũng! Những sự mất mát coi vậy mà rất khó thay thế.

Cô Nhung và Hoàng Anh! Ðời người hữu hạn. Xin hãy hãnh diện mỉm cười khi mọi người đang khóc.
Vĩnh biệt Việt Dzũng! Mấy ai đã được sống và chết như anh.


 
Người buôn gió là bút hiệu của một người trong nước viết về Việt Dzũng. Có một điểm người buôn gió nói về những người "đấu tranh dân chủ" ở hải ngoại tôi thấy mình nên nhìn lại.


Tôi định không viết gì về anh, mặc dù những ca từ Chút Quà Cho Quê Hương, Lời Kinh Đêm hay Mời Em Về của anh đọng sâu sắc trong tôi lúc tôi chỉ mười mấy tuổi. Lúc tôi không ý thức nhiều về chính trị, nhưng thân phận con người trong lời ca của những nhạc phẩm mà anh sáng tác thật khủng khiếp. Có lẽ tôi chưa thấy một nhạc sĩ nào vẽ những nét vẽ về thân phận con người mà sự ám ảnh ghê gớm như Lời Kinh Đêm. Nhất là câu hỏi da diết với trời xanh, biển cả đang làm giống tố quăng quật những con thuyền mong manh giữa trùng khơi.

Biển ngây ngô hay biển man rợnam
Biển có buồn hay biển chỉ làm ngơ.

Sở dĩ tôi định không viết bởi tôi hèn. Tuy rằng trong thâm tâm tôi nếu có dịp sang Mỹ, kiểu gì tôi cũng tìm gặp để chào anh một cái bắt tay. Tôi hèn chẳng phải tôi sợ những người cộng sản đối nghịch với anh, họ làm gì tôi. Tôi hèn vì tôi sợ '' một số người ''  những người đấu tranh dân chủ.

Họ sẽ chửi tôi tư cách gì viết về anh hả thằng oắt con Bắc Kỳ. Mày định lăng xê cho bản thân mày à.?

Họ chửi bạn tôi hay thằng em Nguyễn Lân Thắng của tôi như vậy. Chỉ hành động ghé thăm nghĩa trang Biên Hòa, thắp nén hương cho người đã khuất. Nguyễn Lân Thắng bị một số kẻ tự nhận là hậu duệ của quân lực VNCH chửi bới. Họ cho rằng Nguyễn Lân Thắng không đủ tư cách để thắp hương , để bén mảng đến nghĩa trang Biên Hòa nơi những chiến sĩ QLVNCH an nghỉ....Cho nên tôi cũng sợ khi nhắc đến những người như các anh.

Tôi kể sơ qua lý do vậy, chứ tôi có cách thủ rồi. Giờ viết gì tôi nhận tôi hèn, ngu, lưu manh, cơ hội...nhận một lô xích xông sẵn thế, cho một số nhà ''đấu tranh dân chủ '' khỏi lo tôi tư cách có hay không. Có chửi tôi thì chả ăn thua vì tôi tự chửi mình trước rồi.

Không biết trình tự của ba nhạc phẩm trên, nhạc phẩm nào có trước. Những cảm nhận của mình tôi sắp xếp trình tự như ở phần đầu. Nhạc phẩm Chút Quà Cho Quê Hương đắng chát, trần trụi về một sự thật tăm tối thời bấy giờ trong nước, trong nhạc phẩm ấy tình trạng đói kém và thiếu thốn về vật chất được phác họa không chút che đậy màu mè, dăm ba thước vải, chiếc nhẫn yêu thương, cây bút máy, hộp diêm nhóm lửa..thú thực khi nghe bài đó. Tôi cũng ước có thân nhân ở nước ngoài để có quà là cây bút máy hay vài chiếc kẹo để ngậm cho ngọt giữa cuộc đời đầy cay đắng vì đói khát, thèm thuồng.

Rồi đến bài Lời Kinh Đêm thật sự tôi không nghĩ đó là cùng một tác giả. Bởi sự trần trụi cay đắng của Chút Quà Cho Hương lớn quá, khiến tôi không nghĩ nổi một nhạc phẩm đầy chất triết lý về sinh tử, chia ly được ẩn sâu trong ca từ như.

Thuyền bấp bênh cuộc sống mơ hồ
Người buông xuôi về nơi đáy nước
Người có mộng một nấm mồ xanh.

Thật khủng khiếp cho những người vượt biển, người vượt biển khi buông xuôi về nơi đáy nước với ước mơ thân xác mình có một nấm mồ xanh cỏ. Như bao nhiêu người chết bình thường khác trên bờ. Người ta có vô vàn ước mơ, nhưng ước mơ chết có được nấm mồ thì mấy nhà văn, nhà thơ nào tưởng rượng nổi. Phải chăng chính sự trải nghiệm của mình qua cuộc vượt biển đã khiến cho anh thấu được ước mơ của những người chết đuối trên biển Đông như vậy.

Thế rồi đột ngột nhạc phẩm Mời Em Về tuy có dấu ấn chung về nỗi buồn thân phận lưu vong như hai bài trước, nhưng nhạc phầm này ca từ lãng mạn một cách êm đềm đến dịu ngọt. Tôi cám ơn anh , mặc dù anh chưa ra Hà Nội lần nào nhưng nét vẽ của anh về Hà Nội, về một bà mẹ Hà Nội tóc bạc ngồi đâu đó đang tụng lời kinh Phật , tiếng Nam Mô buồn..làm tôi nhớ người mẹ già của tôi vô vàn. Người mẹ già của tôi đã bao lần ngồi đâu đó ở ngồi chùa nào của Hà Nội tụng kinh khấn Phật mong cho tôi thoát được cảnh ngục tù.

Bài hát dịu dàng lắm, này Cổ Ngư chiều đổ lá, trong mưa buồn lưa thưa, này phố phường xưa những chiều mưa phủ.

Bài hát mà lời như định mệnh. Mà cả lời của ba bài hát, có bài nào lời không như định mệnh đâu.? Một định mệnh buồn của thân phận tha hương.

Nhưng chim đã gãy cánh
Nhưng mấy đã ngừng trôi
Để cho tôi còn lại nơi này.

Mong anh nằm yên bình nơi ấy, nếu có dịp mà tôi sang bên đó. Chắc chắn sẽ đến nấm mồ xanh của anh để thắp nép hương cho một trong những người nhạc sĩ  Việt Nam, đã viết  những nhạc phẩm về thân phận con người sâu sắc nhất.

Mong lời ca của anh sẽ khiến những con chim xa xứ không bao giờ mỏi cánh ước mơ tìm về với quê cha, đất mẹ. Để chao cánh lượn trên bầu trời Hà Nội, Sài Gòn trong một chiều say nắng.

Chia buồn với trung tâm Asia đã mất đi một người MC ưu tú, người MC quan tâm sâu sát đến từng diễn biến của những người đấu tranh trong nước, nhắc tên những người đấu tranh trên sân khấu giữa hàng nghìn khán giả. Để cho những người yêu nước bên ngoài và những người yêu nước bên trong thấy gần gũi với nhau hơn, gắn bó và hiểu biết nhau hơn. Khoảng trống của anh để lại thật lớn trên sân khấu Asia. Hy vọng những MC như Nam Lộc, Thùy Dương cập nhật tình hình trong nước nhiều hơn và cặn kẽ hơn để lấp khoảng trống mà Việt Dzũng bỏ lại, thiết nghĩ đó cũng là cách tưởng nhớ người nhạc sĩ tài hoa và đầy lòng trắc ẩn, bao dung đó.

Video Leyna Nguyễn nói về Việt Dzũng in Vietnamese and English

No comments:

Post a Comment